UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức cuộc họp “kín” với các sở ngành, tìm đường kết nối cho sân bay Long Thành.
Do chưa thống nhất với phương án kết nối vào dự án sân bay Long Thành nên UBND tỉnh tổ chức cuộc họp để bàn tiếp trước khi trình Chính phủ. Khi nào có phương án cụ thể thì sẽ thông tin cho báo chí.
Sở GTVT Đồng Nai đề xuất nên làm 3 tuyến đường chính kết nối với sân bay. Cụ thể:
– Tuyến số 1 theo quy hoạch đường 25C nối từ QL51 đến ranh sân bay với chiều dài khoảng 3,8 km. Quy mô 6 – 8 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp.
– Tuyến số 2, nối từ ranh sân bay Long Thành đến đường Vành đai 4, dài khoảng 2,7 km. Đoạn Vành đai 4 (TP.HCM) đến giao với đường cao tốc TP.HCM – Long Thành -Dầu Giây dài 3km, quy mô 4 làn xe cơ giới.
– Tuyến số 2B nối từ ranh sân bay Long Thành đến đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, dài khoảng 6,7 km, dự kiến 4 làn xe cơ giới.
Theo lãnh đạo Sở Giao thông – vận tải, tuyến số 1 kết nối từ quốc lộ 51 vào sân bay là quan trọng nhất. Bởi khi tuyến đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu được xây dựng sẽ khá thuận tiện và phần lớn lượng hàng hóa sẽ ra vào sân bay theo hướng này để đi các cảng biển hay khu công nghiệp.
Vị trí nút giao giữa đường 25C với tuyến đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đã được UBND tỉnh gửi Bộ Giao thông – vận tải để thỏa thuận điểm xây dựng. Sở Giao thông – vận tải cũng kiến nghị Bộ Giao thông – vận tải sớm đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết đồng bộ với xây dựng Sân bay Long Thành để có thể kết nối tuyến số 2B lên cao tốc, đảm bảo hướng kết nối phía bắc cho sân bay
Sở GTVT cũng kiến nghị Bộ GTVT sớm đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết đồng bộ với xây dựng sân bay Long Thành để có thể kết nối tuyến số 2B lên cao tốc, đảm bảo hướng kết nối phía bắc cho sân bay.-
Trao đổi với PV Thanh Niên sau cuộc họp, Phó giám đốc Sở GTVT Đồng Nai Từ Nam Thành cho biết về phía tỉnh vẫn thống nhất xây dựng 3 hướng kết nối như trên và đã trình lên Bộ GTVT. Về phía đơn vị tư vấn của Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) cũng đang nghiên cứu một vài phương án để Bộ GTVT chọn lựa.
“Dự kiến phải cuối năm nay mới chốt được phương án. Còn việc chọn phương án nào thì do Bộ GTVT quyết định”, ông Thành nói.
Cần đồng bộ hạ tầng
Trao đổi với PV Thanh Niên, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng có 3 điểm cần lưu ý khi thực hiện các dự án giao thông kết nối với sân bay Long Thành.
Thứ nhất, đối với khu vực TP.HCM, theo quy hoạch có 2 tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (HLD) và Bến Lức – Long Thành. Trong đó, hiện chưa có sân bay mà cao tốc HLD đã bắt đầu quá tải, đặc biệt tại nút giao An Phú (Q.2) và nút giao đường cao tốc với QL 51. Để có thể đáp ứng nhu cầu kết nối hành khách từ TP. HCM đến sân bay Long Thành trong tương lai, ước tính phải mở rộng lên ít nhất gấp đôi, tức 8 làn xe, mà hiện nay dọc tuyến đường này đã bắt đầu xuất hiện tình trạng nhà cao tầng xây dựng lấn ra. Vì thế việc quy hoạch lộ giới cần được xem xét, đánh giá lại.
Thứ hai, với quy mô phục vụ 100 triệu hành khách/năm, các chuyên gia nước ngoài ước tính cần khoảng 100.000 nhân viên làm việc. Vì thế phải tính toán xây dựng hệ thống giao thông công cộng cho lực lượng nhân viên “khủng” từ TP.HCM hay các tỉnh, thành khác hằng ngày đi/về; hoặc xây dựng được các khu đô thị ở gần đó cho nhân viên.
Cuối cùng là phương án kết nối trực tiếp giữa sân bay Long Thành và sân bay Tân Sơn Nhất. Theo ý kiến của các đơn vị tư vấn, sân bay Long Thành chủ yếu đảm nhận các chuyến bay quốc tế đường dài. Trong khi sân bay Tân Sơn Nhất phục vụ bay quốc tế đường ngắn và nội địa. Cần có tuyến đường cao tốc kết nối trực tiếp giữa 2 sân bay để bổ sung cho nhau, phục vụ các chuyến bay nối chuyến