Ông Cao Tiến Dũng – chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai – cho biết như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về những kế hoạch ấp ủ của địa phương trước thời điểm bàn giao mặt bằng để nhà đầu tư xây dựng thành phố sân baysân bay quốc tế Long Thành.
Ông Dũng cho hay thời gian qua cả hệ thống chính trị của tỉnh Đồng Nai cùng vào cuộc “làm ngày làm đêm” để bồi thường giải tỏa và khẳng định địa phương đã giữ được lời cam kết với Thủ tướng, giao mặt bằng hơn 1.800ha vào ngày 22-10 để khởi công giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành.
Cảm ơn người dân
* Thời gian cam kết giao đất để khởi công xây sân bay đã cận kề. Công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư đã hoàn tất chưa, thưa ông?
– Khu vực hơn 1.800ha phải bàn giao sắp tới, gồm 1.600ha cao su và đất của người dân, đã bồi thường và cưa hạ cây, chỉ còn chi trả bồi thường 2 đợt nữa là xong.
Cuối tháng 10, khi Thủ tướng phê duyệt quyết định đầu tư, xác định chủ đầu tư hạ tầng sân bay là chúng tôi sẽ làm ngay thủ tục bàn giao mặt bằng. Hiện tỉnh đang tổ chức làm song song việc thu hồi đất giai đoạn 2 trong tổng số diện tích 5.000ha làm sân bay.
Về tái định cư cho người dân, chúng tôi tập trung làm 3 khu ưu tiên, đến nay đã cắm cọc, phân lô để người dân bốc thăm xong là vào xây nhà được rồi. Khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn rất đẹp, rất đàng hoàng với tất cả điều kiện tốt nhất như một khu đô thị chứ không đơn thuần là khu tái định cư.
Ở đây toàn bộ được thiết kế điện ngầm, nước ngầm, giao thông rộng rãi và có hệ thống giáo dục, y tế, sinh hoạt tôn giáo, gần khu công nghiệp. Tôi rà lại toàn bộ thì cả Đồng Nai không có khu nào đẹp như khu tái định cư này.
Chúng tôi đã giao cho UBND huyện Long Thành quan tâm hỗ trợ chi phí tạm cư cho người dân trong thời gian chờ xây dựng nhà. Đồng thời giải quyết vấn đề an sinh cho dân như tạm trú, tạm vắng và dứt khoát không để chuyện học hành của con cái người dân bị gián đoạn.
* Gần đây, mỗi lần dự khởi công dự án mới, ông đều dành lời cảm ơn người dân…
– Là người đứng đầu chính quyền tỉnh, tôi phải cảm ơn các hộ dân vì họ đồng lòng với lợi ích chung của đất nước, của quốc gia để phát triển xã hội mai sau.
Các công trình, dự án người dân không chỉ thừa hưởng bây giờ mà thành quả đó còn cả cho con cháu chúng ta mai sau. Nghĩ vậy mà tôi cảm ơn người dân.
Ở sân bay Long Thành cũng vậy. Cả ngàn người dân đã nhường đất để làm dự án, chúng tôi càng trân trọng vì có mặt bằng sớm mới có thể khởi công công trình trọng điểm quốc gia, để phục vụ phát triển kinh tế đất nước và cho Đồng Nai, phát triển thành phố sân bay nhiều tiềm năng .
Từ thực tiễn, tôi thấy rằng ở nơi nào thực hiện tốt chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng thì người dân sẵn sàng di dời và các công trình nơi đó sẽ được làm nhanh. Còn khi nảy sinh thắc mắc trong việc thu hồi đất, tôi yêu cầu cán bộ trực tiếp giải quyết dựa trên cơ sở luật pháp nhưng cái gì có lợi cho dân nhất thì xem xét, tính toán để hỗ trợ người dân.
Nếu làm khách quan, công bằng mà dân còn thắc mắc thì có thể do cán bộ giải thích chưa tới, có lỗi mà anh em bao che. Tôi không đồng tình việc cán bộ để xảy ra sai sót mà không dám nhận sai, giấu giếm khuyết điểm với dân.
Định hướng rõ quy hoạch mới thu hút đầu tư
* Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII có đề cập đến “thành phố sân bay Long Thành”. Điều này cho thấy Đảng, Nhà nước quan tâm rất lớn về dự án này và kỳ vọng là một trong những dự án mang tầm vóc của khu vực phía Nam. Tỉnh Đồng Nai đã lên kế hoạch tổng lực gì cho đại công trình này?
– Với tư duy học hỏi thành phố sân bay các nước, tỉnh Đồng Nai đã định hướng quy hoạch huyện Long Thành lên đô thị, thành phố sân bay và đang thuê tư vấn làm quy hoạch với mục tiêu trong năm 2021 phải làm xong việc này.
Khi định hướng rõ quy hoạch, sau đó mới thu hút đầu tư. Lúc đó, xác định dự án nào nên dùng ngân sách, dự án nào nên kêu gọi đầu tư. Như thế mới khai thác hết tiềm năng của thành phố sân bay.
Chúng tôi cũng đã đi trực tiếp nghiên cứu một số sân bay ở nước ngoài thì nhận thấy họ tích hợp vùng xung quanh sân bay các vị trí xuất nhập hàng hóa bằng hàng không, cảng biển, đồng thời kết nối hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ.
Như khu vực sân bay Long Thành sắp tới cũng tính toán kết nối với cảng biển Cái Mép, Phước An để tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Rồi tính toán các loại hình dịch vụ nảy sinh từ lợi thế của sân bay.
Do đó, vai trò của địa phương sẽ cùng các bộ ngành tính toán, chuẩn bị các vị trí quy hoạch phù hợp nhất để đón các nhà đầu tư nhằm hình thành nên các đô thị như ý muốn theo hồ sơ quy hoạch mà chúng ta đã tính trước. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong giai đoạn sắp tới.
“Lo nhất là kết nối hạ tầng”
* Đây chỉ là giai đoạn khởi đầu để chuẩn bị làm sân bay. Lúc này, ông đang lo lắng điều gì nhất? Địa phương đã có dự báo, chuẩn bị nguồn lao động, chuyên gia… ra sao?
– Để phát triển toàn diện thì phải lo toàn diện. Nếu đi sâu vào từng lĩnh vực thì có nhiều thứ để lo. Đến giờ, tôi lo nhất là kết nối hạ tầng.
Đồng Nai vừa tập trung giải phóng mặt bằng tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành, mới đây là đoạn cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây. Tỉnh cũng đang tập trung nguồn lực giải phóng mặt bằng đường vành đai 3 đoạn qua Đồng Nai, đang làm việc với TP.HCM, Bình Dương để thống nhất vị trí xây dựng cầu Cát Lái và xây dựng cầu Bạch Đằng.
Hiện Bộ GTVT triển khai dự án Dầu Giây – Liên Khương nên tỉnh tiếp tục tham gia giải phóng mặt bằng.
Đối với các dự án hạ tầng của trung ương qua Đồng Nai, nếu không làm được nhanh thì không đủ hạ tầng để phục vụ cho sân bay Long Thành. Lúc đó chẳng những không phát huy được lợi thế sân bay mà có thể phát sinh nhiều hệ lụy. Chúng tôi ý thức việc này nên rất tập trung, khẩn trương giải phóng mặt bằng.
Về phía tỉnh, chúng tôi cũng tính toán, dự báo cho việc làm hệ thống giao thông nội địa, các trục đường, nhánh xương cá đi ra vào các cao tốc, quốc lộ để sao cho hệ thống giao thông hoàn chỉnh, đủ lớn để phục vụ các khu vực xung quanh sân bay và kể cả các khu công nghiệp xung quanh.
Tôi đơn cử như vừa rồi Thủ tướng đồng ý bổ sung 6.500ha cho đất công nghiệp thì trách nhiệm của tỉnh phải tính toán các trục giao thông phục vụ cho phát triển công nghiệp, cập nhật vào quy hoạch để chuẩn bị cho đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông.
Vấn đề nữa là sự phát triển công nghiệp sẽ kéo theo nguồn lao động nơi khác đổ về thì địa phương cũng phải tính toán các loại hình dịch vụ phục vụ khu công nghiệp và phải có nguồn lực lao động tương xứng.
Do đó, ngoài chuyện doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực, địa phương cũng định hướng để các trường đại học, trường nghề trên địa bàn đào tạo nguồn lực tại chỗ theo địa chỉ, theo nhu cầu mới.
Không để phá vỡ quy hoạch
* Khi phát triển đô thị, một số địa phương quản lý đất đai lỏng lẻo, phá vỡ quy hoạch, nảy sinh những hệ lụy xấu. Tỉnh Đồng Nai có biện pháp gì để không xảy ra những trường hợp tương tự?
– Điều đầu tiên là quy hoạch phải rõ ràng, đồng bộ. Giai đoạn trước có nhiều trường hợp quy hoạch xây dựng, quy hoạch đất đai không ăn khớp gì với nhau cả. Khi có dự án xuất hiện thì phải điều chỉnh mất quá nhiều thời gian, làm chậm sự phát triển của tỉnh.
Khi tôi trực tiếp quản lý quy hoạch, tôi ra thông báo các địa phương dứt khoát không để tình trạng quy hoạch chồng chéo lặp lại, cần chấn chỉnh và tập trung cho việc quy hoạch và triển khai quy hoạch.
Nếu tình trạng này lặp lại, để tôi phải ký điều chỉnh thì sẽ kiểm điểm trách nhiệm người trình ký và xử lý nghiêm.
“Chăm lo tốt nhất các quyền lợi của dân”
Ngày 9-10, ông Lê Văn Tiếp – phó chủ tịch UBND huyện Long Thành – cho biết trong tháng này, huyện chi trả dứt điểm tiền đền bù, hỗ trợ cho những hộ dân còn lại và tổ chức cho người dân bốc thăm tái định cư.
Dự kiến đợt này có khoảng 700 hộ vào tái định cư. Hiện đã có 450 hồ sơ được xem xét để bốc thăm chọn lô tái định cư.
Đối với việc an sinh cho dân, ông Tiếp cho hay: “Trước khi bàn giao mặt bằng, chúng tôi cố gắng chăm lo tốt nhất các quyền lợi của người dân như chi phí tạm cư, tổ chức các xe đưa đón học sinh để tránh xáo trộn cuộc sống của người dân”.