Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã bấm nút khởi công xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Sân bay dự kiến khai thác vào năm 2025.
Sáng 5/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức phát lệnh khởi công Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành, Đồng Nai) giai đoạn 1 – dự án thành phần 3.
Giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 109 nghìn tỷ đồng (hơn 4,6 tỷ USD), dự kiến hoàn thành vào năm 2025.
Giai đoạn 1 được chia làm 4 dự án thành phần, trong đó dự án thành phần 3 – các công trình thiết yếu trong cảng gồm nhà ga hành khách, hạ tầng hàng không, hệ thống cấp nước, xử lý nước thải; nhà ga hàng hóa số 1, nhà để xe; hệ thống giao thông kết nối tuyến số 1 và số 2…được Chính phủ giao cho Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, hạ tầng cơ sở đóng vai trò quan trọng như mạch máu của nền kinh tế – xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng. Chỉ khi hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại mới có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, khi đó mới đủ điều kiện đón các “đại bàng” lớn, những “sếu đầu đàn” tới làm tổ và làm ăn lâu dài.
“Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế năng động, tăng trưởng nhanh trong khu vực, với GDP 10 năm qua tăng bình quân 6,5% mỗi năm, nền kinh tế vĩ mô được giữ ổn định, nợ công giảm, kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng mạnh…
Kết quả trên cho thấy triển vọng kinh tế tươi sáng, niềm tin của thị trường, của quốc tế với Việt Nam đang gia tăng mạnh mẽ”- Thủ tướng nhìn nhận.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi liền với phát triển kinh tế, thị trường hàng không tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Năm 2019, khách qua cảng hàng không đạt trên 116 triệu hành khách, tăng 12% so với năm 2018. Theo ICAO, từ nay tới năm 2030, Việt Nam sẽ là một trong các quốc gia có thị trường hàng không phát triển nhanh nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
“Nhu cầu khách và hàng hoá qua hàng không rất lớn, nhưng hạ tầng đang là điểm nghẽn của phát triển, khi các cảng hàng không lớn thường xuyên quá tải, ảnh hưởng tiêu cực tới phát triển hàng không và môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam”- Thủ tướng nói và cho biết, các sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất thường xuyên quá tải, làm mất cơ hội kêu gọi hãng hàng không nước ngoài khai thác đường bay tới Việt Nam, mất cơ hội để Việt Nam thành trung tâm hàng không của khu vực. Nếu kéo dài tình trạng trên sẽ mất đi lợi thế của Việt Nam và kéo theo ngành khác bị ảnh hưởng.
Người đúng đầu Chính phủ cũng đánh giá, sân bay Long Thành nằm trong nhóm 16 sân bay đáng mong chờ nhất thế giới, thể hiện khát vọng vươn lên mạnh mẽ của Việt Nam trong phát triển kinh tế, an ninh quốc gia.
Đây là dự án hạ tầng có vốn đầu tư lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay. Dự án đưa vào sử dụng sẽ đóng góp 3-5% GDP mỗi năm, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực, giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất. Đặc biệt, sau năm 2030, sân bay Long Thành phải trở thành sân bay trung chuyển khu vực và thế giới, thu hút phát triển kinh tế và du lịch, nâng tầm Việt Nam trên khu vực.
Để dự án hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, các chủ đầu tư thực hiện dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả, không vượt tổng mức đầu tư được duyệt, không thất thoát, lãng phí, bảo toàn vốn nhà nước.
Cùng với đó, các hạng mục đảm bảo phải hoàn thành đồng bộ, để khai thác hiệu quả dự án vào năm 2025. Các bộ ngành, địa phương cần đảm bảo phương án kết nối sân bay với các địa phương, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, tạo điều kiện, tháo gỡ kho khăn, vướng mắc cho các chủ đầu tư thực hiện dự án thuận lợi, an toàn.
Chủ tịch HĐQT ACV Lại Xuân Thanh cho biết, dự án xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 được đầu tư đạt cấp 4F, với 1 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách, cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Dự án sẽ đưa vào sử dụng năm 2025.
Giai đoạn 1 của sân bay Long Thành được chia thành 4 dự án thành phần. Trong đó, Dự án thành phần 1 – các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước do các đơn vị thực hiện; Dự án thành phần 2 – các công trình phục vụ quản lý bay, được Chính phủ giao Tổng Công ty Quản lý bay làm chủ đầu tư; Dự án thành phần 3 được giao cho ACV làm chủ đầu tư; Dự án thành phần 4 – các công trình khác do Bộ GTVT chủ trì lựa chọn nhà đầu tư. Các dự án thành phần 2, 3, 4 sẽ chỉ được sử dụng vốn của nhà đầu tư, không sử dụng bảo lãnh Chính phủ.
Theo ông Thanh, Dự án sân bay Long Thành được chia làm 3 giai đoạn, tổng mức đầu tư hơn 16 tỷ USD. Khi hoàn thành toàn bộ sẽ đạt cấp 4F, với quy mô 4 đường băng, 4 ga hành khách, đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu hàng hoá/năm.
Sân bay này sẽ là cửa ngõ quan trọng quan trọng và hướng tới là sân bay trung chuyển khu vực. Năm trên đại bàn 6 xã của huyện long thành.
Dự án thành phần 3 của giai đoạn 1 do ACV làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư hơn 99.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tối thiểu là 36.000 tỷ đồng. Trong năm 2021 sẽ thực hiện hạng mục rà phá bom mìn, san lấp mặt bằng, xây tường rào, với giá trị giải ngân khoảng 6.000 tỷ đồng.
“ACV cam kết cân đối đầy đủ vốn cho dự án, tập trung nhân lực, phối hợp đơn vị liên quan triển khai dự án đúng quy định pháp luật. Đảm bảo tiền độ, chất lượng, không vượt tổng mức đầu tư phê duyệt, hoàn thành đưa vào khai thác năm 2025”, ông Thanh nói.